Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 03 năm 2020, 11:08

Bảo vệ con khi sử dụng Internet

Thời đại kỹ thuật số, việc trẻ tiếp xúc và sử dụng internet là không tránh khỏi. Tuy nhiên, cạm bẫy từ internet lại rất nhiều. Vậy phụ huynh phải làm sao để con sử dụng mạng an toàn và hiệu quả?
 
Cuộc sống hiện đại bận rộn khiến cha mẹ không còn nhiều thời gian cho con cái của mình. Thay vì trò chuyện, dẫn con ra ngoài khám phá thế giới, dành thời gian bên con, họ thường để con chơi iPad hay iPhone để mình được rảnh tay làm các việc khác. Chính vì vậy, việc những đứa trẻ đủ mọi lứa tuổi cả ngày dán mắt vào thiết bị điện tử cũng không còn là chuyện hiếm nữa.
Vậy trẻ em thường lên mạng để làm gì? Những trẻ em nhỏ tuổi thường xem phim hoạt hình, clip ca nhạc thiếu nhi. Trẻ lớn tuổi hơn thì vào các trang game online, mạng xã hội như youtube, facebook, zalo, thậm chí một số trẻ cá biệt có thể vào các trang web đen.
Internet là một nguồn tài nguyên tuyệt vời cho mọi người và trẻ em nhưng Internet không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích. Với lượng thông tin tràn ngập trên Internet ngày nay, trẻ em dễ trở thành mục tiêu lôi kéo của những người có tâm bất chính, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của trẻ mà làm những việc bại hoại. Mặt khác, những nhận thức lệch lạc của trẻ em và thanh thiếu niên như thần tượng các “giang hồ mạng” ngày nay đã đến mức báo động.
Quan điểm của những người nổi tiếng bảo vệ con khi dùng internet
Theo Business Insider, trong một cuộc phỏng vấn riêng với Matt Lauer, và sau đó là trong chương trình Today Show, Gates nói rằng ông không đi quá xa bằng việc giữ mật khẩu tài khoản Facebook của bọn trẻ, nhưng an toàn trực tuyến là “một vấn đề rất khó khăn với các bậc phụ huynh ngày nay”.
Việc lạm dụng điện thoại thông minh – hay còn gọi là “nghiện điện thoại”, theo một số chuyên gia tâm lý, đang trở thành mối lo ngại ngày càng lớn của các bậc cha mẹ, các học giả, thậm chí là cả với những người làm việc ở thung lũng Silicon. Quan điểm của Bill Gates về việc sử dụng công nghệ cũng giống với Steve Jobs – nhà sáng lập Apple. Steve cũng không cho phép con cái sử dụng điện thoại di động ở nhà.
“Chúng tôi giới hạn việc bọn trẻ sử dụng công nghệ ở nhà” – Jobs từng chia sẻ với tờ New York Times ngay sau khi ra mắt iPad năm 2011. Theo các nhà giáo dục Joe Clement và Matt Miles, đồng tác giả cuốn sách về chủ đề này đặt câu hỏi: “Những ông chủ doanh nghiệp công nghệ này biết điều gì về những sản phẩm của họ mà người tiêu dùng không biết?“
Câu trả lời là nó có khả năng gây nghiện. Một loạt các giám đốc điều hành ở thung lũng Silicon đã tiết lộ sức mạnh của Apple, Facebook, Google, Twitter trong việc thu hút sự chú ý của người dùng thông qua các sản phẩm và nền tảng của họ.
“Nó thực sự thay đổi mối quan hệ của bạn với xã hội, và với nhau” – nhà sáng lập Napster, cựu chủ tịch Facebook Sean Parker chia sẻ. “Nó có thể can thiệp một cách đáng kể theo những cách kỳ lạ nhất”.
Nghiên cứu về sự an toàn của trẻ khi dùng Internet
Gia Đình Việt Nam cho biết, một nghiên cứu gần đây đã được thực hiện bởi Viện Internet Oxford của Đại học Oxford về việc trẻ dùng Internet. Trong nghiên cứu này, một nhóm 515 trẻ em từ 12 đến 15 tuổi được phỏng vấn về kinh nghiệm của chúng trên Internet, kết quả cho thấy:
14% trẻ có những trải nghiệm trực tuyến tiêu cực trong năm qua.
8% trẻ đã bị người lạ lôi kéo.
2% trẻ đã phải đối mặt với các nội dung liên quan đến tình dục.
3% trẻ đã nhìn thấy những nội dung khiến chúng sợ hãi.
1/3 trẻ em nói rằng cha mẹ chúng không biết chúng đang nói chuyện với ai trên mạng.
Phải làm sao bảo vệ con khi sử dụng Internet?
Nhiều bậc phụ huynh do quá sợ hãi trước những câu chuyện “xấu xí” từ Internet mà cấm con cái sử dụng. Tuy nhiên, điều này chẳng giải quyết được vấn đề gì, bởi sớm muộn trẻ cũng cần dùng Internet. Bởi vì một số trường thường yêu cầu học sinh học trực tuyến hoặc hoàn thành bài tập cần tra cứu trên Internet.
Bên cạnh đó, trẻ sẽ tìm nhiều cách khác nhau để lén lên mạng mà chúng ta hoàn toàn không hề hay biết. Như vậy, các phụ huynh càng khó để quản lý con hơn. Thay vì sử dụng các biện pháp quá cực đoan khiến con chống đối và “lạc lối” trong thế giới mạng rộng lớn, cha mẹ nên dõi theo lịch sử vào Internet của con trẻ để quản lý.
Nói chuyện về công nghệ trước khi cho con tham gia Internet và mạng xã hội
Khi bắt đầu cho con sử dụng điện thoại thông minh, máy tính, ipad…tham gia thế giới trên internet, cha mẹ hãy hướng dẫn con sử dụng, nói con hiểu về lợi ích cũng như những nguy hiểm con cần tránh. Thế giới ảo cũng như thế giới thật đầy rẫy những cám dỗ, con cần phân biệt.
Thông qua internet, trẻ có thể gặp những người bạn không quen. Trong cuộc sống ảo, khó có thể nói một người có đúng như những lời họ nói không. Một số người bạn gặp có thể không phải là người tốt. Cho dù có kết bạn thì hãy luôn nhớ rằng bạn không thực sự quen biết họ. Bạn không thể nhìn thấy những người bạn ảo vì vậy họ có thể nói dối về bản thân, hoặc nói cho vui, thậm chí có những hành động xấu.
Kiểm soát những gì con nhìn thấy
Ví như trên Facebook, cha mẹ có thể chỉ dẫn cho con cách kiểm soát những gì con nhìn thấy trên bảng tin bằng cách kích chuột vào dấu ba chấm phía trên bên phải của bất cứ bài đăng nào. Nếu con không muốn thấy một bài đăng xuất hiện nữa, con có thể ẩn nó đi. Nếu con không muốn thấy bài đăng từ một người nào đó, con có thể bỏ theo dõi hoặc tạm ẩn họ. Con cũng có thể phản hồi hoặc báo cáo một bài đăng mà con thấy có nội dung bắt nạt/lạm dụng. Trẻ không nên có tài khoản khi chưa đủ 13 tuổi vì mạng xã hội Facebook không khác nào “con dao hai lưỡi”.
Kiểm soát cảm xúc của con
Cha mẹ nên giải thích cho con hiểu rằng: mạng xã hội là con người thứ hai của con. Không nên chia sẻ khi tâm lý đang bất ổn như giận dữ, thất vọng hoặc bị kích động. Những khi con gặp vấn đề, con nên chia sẻ với bạn bè, gia đình hoặc những người xung quanh để có cách giải quyết, nhận những lời khuyên thiết thực. Không chụp hình, đăng ảnh câu view, câu like… không nên kể những chuyện trong gia đình, những khó khăn đang gặp phải.
Kiểm soát thời gian sử dụng
Việc để ý thời lượng sử dụng thiết bị di động và các ứng dụng, cũng như đảm bảo trẻ tuân thủ các quy tắc. Phụ huynh có thể toàn quyền quyết định thời gian sử dụng phù hợp cho con mình nhờ chức năng đặt giới hạn giờ sử dụng và giờ nghỉ ngơi trên các thiết bị bằng ứng dụng Family Link. Khóa thiết bị từ xa cũng là một trong những tính năng hữu ích giúp cha mẹ đảm bảo trẻ sẽ không thể “ăn gian” để chơi thêm vào giờ đi ngủ.
Hệ điều hành iOS 13 của Apple cho phép người sử dụng theo dõi dung lượng sử dụng dữ liệu của trẻ trên một ứng dụng nhất định trong vòng 1 tháng, thay vì 1 tuần. Phụ huynh cũng nên cài đặt các phần mềm diệt virus như Bitdefender Total Security hay Norton Security Premium trên thiết bị nhằm đảm bảo sự an toàn của con trên mạng.
Khi đề ra những quy định cho con mình, chính các bậc cha mẹ cũng phải trở thành hình mẫu tốt của con cái. Con sẽ nhìn những gì cha mẹ làm chứ không phải chỉ nghe những gì cha mẹ nói. Nếu cha mẹ đưa ra giới hạn về thời gian online hoặc sử dụng mạng xã hội cho con mình, cha mẹ cũng phải thực hiện những quy định đó.
Khi dùng máy tính cần trong tầm quan sát của cha mẹ
Cha mẹ không nên cho trẻ sử dụng máy tính bảng, điện thoại thông minh trong phòng riêng mà không có sự kiểm soát của mình. Yêu cầu con sử dụng trong không gian chung sẽ giúp trẻ tránh truy cập vào các nội dung không phù hợp với lứa tuổi. 
Cha mẹ cũng nên cẩn trọng 
Thực tế, ngày nay, phụ huynh rất hay check in những hình ảnh liên quan đến con: Hôm nay đưa con đi học mấy giờ, chiều muộn vẫn làm việc chưa về đón con, con đã có thể tự đi chơi một mình…. Những thông tin này vô tình để lộ lịch trình của con và sẽ tạo điều kiện cho đối tượng xấu theo dõi, rất có thể bắt cóc hay xâm hại, bạo lực trẻ.
Không tiết lộ danh tính bản thân, những điều riêng tư
Giáo dục trẻ về những nguyên tắc vàng trên Internet để bảo vệ thông tin cá nhân của chính mình.
Những điều không nên làm:
– Chia sẻ mật khẩu, họ tên, địa chỉ, số CMND hay bất cứ thông tin định danh nào cho người không quen.
– Gặp gỡ bất kỳ ai trên mạng mà không có sự cho phép và giám sát của cha mẹ.
– Truy cập vào các trang web tặng “quà miễn phí”, web đen bởi đây có thể là chiêu trò lừa đảo, chứa đựng những “nội dung bẩn”.
– Trả lời người lạ trong thư mục spam, khi họ tỏ vẻ quen biết và cần sự giúp đỡ từ mình.
– Giấu cha mẹ hoặc giáo viên nếu có chuyện không hay xảy ra trên mạng.
Những điều trẻ nên làm
– Sử dụng Internet để làm học và làm bài tập trên trường, bởi đây là nguồn thông tin hữu ích con có thể truy cập.
– Xem phim, video và nghe nhạc phù hợp lứa tuổi, lành mạnh.
– Kết nối với bạn bè trong trường, những người có thể biết và kiểm soát được.
Today Education